[Báo Phụ nữ] Trường học tìm cách thích ứng nhanh với “cơn bão” AI

PNO – Chiều cuối tháng Ba, từ trong Viện Công nghệ thông tin và tương tác (3ITech) thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), vẳng ra tiếng dương cầm thánh thót. Điều thú vị là “nghệ sĩ” đánh bản nhạc ấy không phải người thật mà là người máy (robot) được cài đặt trí tuệ nhân tạo (AI).

Ai có mặt trong nhiều ngành học

Chỉ sau vài thao tác đơn giản của sinh viên trên máy tính, 10 ngón tay của robot bắt đầu lướt trên phím đàn piano, chơi thành thục rất nhiều bản nhạc. Anh Khoa – sinh viên năm thứ nhất, ngành robot và trí tuệ nhân tạo của Đại học Kinh tế TPHCM – giải thích: “Đây là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Con AI này có thể điều khiển robot chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau, ứng dụng (app) càng hoàn chỉnh thì nó chơi càng mượt mà, không khác gì một nghệ sĩ. Nhóm sinh viên tụi em đang cố gắng hoàn thiện nó”.

Sinh viên năm thứ nhất ngành robot và trí tuệ nhân tạo của Đại học Kinh tế TPHCM đang thử nghiệm dùng AI điều khiển robot – Ảnh: Nguyễn Loan

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh – Viện trưởng FTI – tự hào nói về ứng dụng AI điều khiển robot chơi đàn piano: “Sản phẩm do sinh viên năm thứ nhất tạo ra đấy”. Ông cho biết, trong viện, có hàng chục sản phẩm AI do sinh viên năm thứ nhất làm ra: “Công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đặc biệt là những công nghệ hiện đại như AI, robot, blockchain, IoT… Trước đây, sinh viên phải học đến năm thứ ba, thứ tư mới tạo được máy tự động, nay thì sinh viên năm thứ nhất đã tạo được máy tự động dễ dàng. Điều này cho thấy sự phát triển như vũ bão của AI. Đây cũng là thách thức rất lớn với các trường. Nếu không thay đổi và thích nghi kịp, chúng ta sẽ bị tụt lại và tụt rất xa”.

Sinh viên năm thứ nhất ngành robot và trí tuệ nhân tạo của Đại học Kinh tế TPHCM điều khiển robot chơi đàn piano từ máy tính – Ảnh: Nguyễn Loan

Tương tự, ở lớp học của sinh viên năm thứ nhất ngành kiến trúc, Trường đại học Văn Lang, khi tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng – Trưởng khoa Công nghệ ứng dụng – đưa ra yêu cầu thì phía dưới, sinh viên mở máy tính, dùng AI để phân tích số liệu, dựng mô hình tòa nhà. Chỉ với vài thao tác, AI đã đưa ra dữ liệu thời tiết trong vòng 40 năm ở TPHCM, dùng dữ liệu này để tính toán độ ẩm, tác động của môi trường rồi đưa ra những phương án tối ưu khi xây dựng một tòa nhà. Một ứng dụng AI khác sẽ dựng mô hình căn nhà, tính toán bức xạ, các góc tiếp xúc ánh nắng mặt trời rồi đưa ra công suất năng lượng.

Sinh viên dựa trên những phân tích này để chọn lựa thiết kế phù hợp nhất trong môn học thiết kế xanh, thiết kế bền vững.
AI cũng được áp dụng cho nhiều ngành học khác, như hỗ trợ sinh viên âm nhạc viết bản nhạc, kiểm tra lỗi đạo nhạc, phát thử bản hòa âm; hỗ trợ sinh viên mỹ thuật phân tích dữ liệu, đánh giá các thông số; hỗ trợ sinh viên ngân hàng xử lý những con số khổng lồ, những thủ tục phức tạp… Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng nhận định: “AI hiện hữu khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực, giúp con người rút ngắn thời gian hoàn thành công việc, tăng độ chính xác của sản phẩm. Sự phát triển của AI tác động đến hầu hết lĩnh vực trong cuộc sống. Có những ngành nghề, lĩnh vực sẽ biến mất khỏi thị trường lao động rất nhanh. Ngành GD-ĐT phải bắt kịp tốc độ phát triển này”.

Hiện nay, nhiều trường đại học đang ứng dụng AI vào hoạt động dạy và học – Ảnh: Nguyễn Loan

Hướng dẫn sinh viên sử dụng AI hiệu quả
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Hùng – Phó giám đốc UEH – AI tác động lên nhiều lĩnh vực, buộc các cơ sở đào tạo phải thay đổi. Nhiều trường đã mở thêm các ngành học về ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, máy tính, robot, tự động hóa… và đưa công nghệ vào dạy tích hợp trong nhiều ngành như một chương trình bắt buộc. Năm trước, UEH mở thêm ngành robot và trí tuệ nhân tạo, công nghệ logistics; năm nay, UEH mở thêm ngành công nghệ nghệ thuật (arttech), điều khiển thông minh và tự động hóa. Năm sau, UEH dự kiến mở thêm ngành sản xuất thông minh…

Hiện nay, ngoài tích hợp AI vào các ngành học, các trường còn ứng dụng AI vào quản lý, kiểm soát chất lượng dạy học, như kiểm tra tình trạng đạo văn, xác thực và nhận diện khuôn mặt trong cuộc thi trực tuyến, chấm bài thi tự động bằng quét ảnh bài làm, tư vấn tuyển sinh tự động, tự động giải đáp các thắc mắc của phụ huynh, học sinh…

Tuy nhiên, sự phát triển của AI vừa nhanh, vừa liên tục nên các cơ sở đào tạo, sinh viên và giảng viên phải không ngừng cập nhật cái mới. Nguồn nhân lực để đào tạo về AI của Việt Nam lại vừa yếu, vừa thiếu. Để giải quyết “bài toán” này, các trường đã liên kết với những “ông lớn” về công nghệ và đào tạo trên thế giới để cập nhật, đưa những chương trình hiện đại nhất về giảng dạy, đưa sinh viên ra nước ngoài học tập, “phổ cập” kiến thức về AI cho toàn bộ giảng viên ở tất cả ngành học. Chẳng hạn, các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM như Công nghệ thông tin, Bách khoa, Quốc tế, Kinh tế TPHCM, Trường đại học Văn Lang, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng… đều có chương trình liên kết với các trường đại học lớn trên thế giới để chuyển giao công nghệ, gửi sinh viên sang các nước tiên tiến học.

Theo tiến sĩ Trần Văn Hùng – Phó trưởng khoa Công nghệ kỹ thuật, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng – điều hết sức quan trọng là tập trung đào tạo cho sinh viên tư duy sáng tạo. Những việc nào mà AI làm được thì không cần dạy sinh viên cách làm nữa, chỉ hướng dẫn sinh viên tận dụng AI một cách hiệu quả. Đồng thời, chính sinh viên cũng phải luôn tự học, tự rèn luyện để thích ứng nhanh với sự phát triển chóng mặt của công nghệ.

Nguồn: Báo Phụ nữ

Bài viết khác