Mong muốn đưa nghệ thuật âm nhạc vào trong công nghệ, nhóm sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM đã chế tạo robot có thể chơi đàn piano.
Sau 3 tháng nghiên cứu, nhóm sinh viên năm nhất ngành robot và trí tuệ nhân tạo, Viện Thông minh và Tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM đã hoàn thành nghiên cứu với tên gọi “Robot chơi đàn piano”.
Robot có cơ cấu gồm khung đàn, đầu robot di chuyển theo nhịp điệu, nhiều chi tiết mạch điện, máy tính vận hành… với tổng khối lượng 15kg.
Sinh viên Huỳnh Minh Thuận cho biết phần kinh phí dùng nghiên cứu robot được sinh viên trích từ học bổng.
“Robot được chúng tôi chế tạo có 2 cánh tay đánh đàn như người, với 12 ngón. Vì bàn tay người có thể co giãn linh hoạt, còn robot không được như vậy nên chúng tôi thiết kế thêm ngón tay để robot dễ dàng đánh đàn hơn.
Chúng tôi đã cài đặt được 3 bài nhạc: Let it go, My heart will go on, Bốn mùa thương em. Sử dụng phương pháp AI cho robot nhận diện phím đàn, chỉ cần để robot học từ 5-10 lần có thể đánh thành thục bài nhạc” – Thuận nói thêm.
Thuận cũng cho biết robot có thể hoạt động bất cứ khi nào, chỉ cần cấm điện trực tiếp, cho robot vận hành thông qua máy tính thì có thể sử dụng liên tục.
Kinh phí nhóm bỏ ra nghiên cứu khoảng 10 triệu đồng, sản phẩm hiện đang được trưng bày tại Viện Thông minh và Tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM.
Minh Thuận chia sẻ: “Nhóm đã ứng dụng môn vẽ kỹ thuật, điện điện tử, nhập môn robot… những kiến thức của năm nhất để đưa vào nghiên cứu. Chúng tôi đặt mục tiêu sáng tạo để có kinh nghiệm, sẵn sàng chinh chiến tại các cuộc thi”.
Nhóm cũng mong muốn cải tiến sản phẩm, đánh được nhiều bài, vận hành 2 bàn tay robot mượt mà và có thể đưa robot đến những buổi hòa nhạc không có nghệ sĩ cho mọi người trải nghiệm mới.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh – viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM – cho biết hiện nay có nhiều đơn vị muốn thương mại hóa robot này.
“Các bạn sinh viên đã ứng dụng được việc chơi nhạc cụ vào robot và sử dụng thay thế con người. Vận dụng những kiến thức học trong năm 1, nghiên cứu vừa sức sinh viên.
Tuy nhiên để sản phẩm thu hút thì các bạn cần nỗ lực thay đổi cơ cấu hoạt động đáp ứng nhanh như con người, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho robot chơi những bản nhạc phức tạp hơn” – thầy Thịnh nói thêm.
Thầy cũng cho biết nhóm cũng cần lưu ý về ngoại hình của robot, thân thiện và hình dáng đẹp bắt mắt người xem.
“Tôi đánh giá cao khả năng nghiên cứu của các bạn, mới chỉ học năm nhất nhưng đã đam mê tìm tòi, ứng dụng kiến thức vào trong sản phẩm để từ đó mở ra hướng phát triển khác trong tương lai. Khi lên năm 2, năm 3 sinh viên ứng dụng kiến thức nhiều hơn để đưa sản phẩm thiết thực vào cuộc sống” – thầy Thịnh chia sẻ.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ