Vào ngày 03 tháng 08 vừa qua, hội thảo “Lộ trình đổi mới hướng đến chuỗi cung ứng thông minh và bền vững” do VINEXAD, Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), Công ty TNHH TYVY tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam (VILOG) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Buổi hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ và logistics đã có buổi thảo luận về giải pháp cụ thể cho logistics bền vững, bao gồm việc sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng mô hình sản xuất xanh trong vận tải và chuỗi cung ứng.
Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 dự kiến sẽ vượt qua thành công trước đó với quy mô ấn tượng và đa dạng hơn. Năm 2023, sự kiện đã chào đón gần 25.000 lượt khách tham quan, cho thấy sức hút lớn của triển lãm đối với các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước. VILOG 2024 gồm 400 gian hàng từ hơn 300 công ty đại diện cho 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, thúc đẩy kết nối toàn cầu hệ thống logistics. Các lĩnh vực chính của triển lãm bao gồm: Vận tải & Giao nhận, Kho thông minh và chuỗi cung ứng lạnh, Máy móc – thiết bị xử lý vật liệu, Ứng dụng công nghệ logistics, Cơ sở hạ tầng KCN và cảng biển, mang đến cái nhìn toàn diện về những tiến bộ và đổi mới trên các lĩnh vực xương sống này của ngành logistics.
Theo Introspective Market Research, quy mô thị trường logistics xanh được định giá ở mức 1.300 tỷ USD vào năm 2022, dự kiến đạt 2.470 tỷ USD vào năm 2030 với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 8,35% từ 2023 – 2030. Tính đến cuối năm 2023, quy mô cung ứng của ngành kho vận hiện đại Việt Nam đạt gần 3,9 triệu m2 sàn với tốc độ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2020 – 2023 là 23%. Khoảng 75% thị phần kho bãi tại Việt Nam hiện nằm trong tay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số liệu từ báo cáo “Kho vận Việt Nam: Sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài” của FiinGroup.
Nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành logistics, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg 2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó xác định 6 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 18 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể trong lĩnh vực giao thông vận tải và dịch vụ logistics.
Hội thảo “Lộ trình đổi mới hướng đến chuỗi cung ứng thông minh và bền vững” có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và logistics đến từ Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS, Công ty TNHH TYVY và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Phát biểu khai mạc tại hội thảo PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết đào tạo nguồn nhân lực phù hợp cho ngành logistics, không chỉ tập trung vào các kỹ năng, kiến thức cơ bản mà còn hướng đến luyện cho sinh viên cho tư duy phát triển bền vững, từ đó ứng dụng vào chuỗi cung ứng là đặc biệt quan trọng.
Các diễn giả cũng đã có các phiên thảo luận về logistics thông minh và những phương pháp tăng cường tính bền vững của chuỗi cung ứng. Nổi bật là việc ứng dụng robot, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), drone… trong quá trình giao vận, nhưng mặt trái của các công nghệ này là chi phí vận hành lớn. Tại buổi hội thảo, TS. Đinh Bình Khánh – Viện Công nghệ thông minh và Tương tác UEH đã chia sẻ về ứng dụng Robot và Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực kho vận, cũng như những xu hướng công nghệ thay đổi cách thức hoạt động của chuỗi cung ứng. Ông nhấn mạnh rằng sự phát triển của các công nghệ này không chỉ giúp tăng năng suất và hiệu quả hoạt động mà còn mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp, đồng thời đặt ra những thách thức mới về quản lý và vận hành.
Bên cạnh các ứng dụng của Robot và AI trong lĩnh vực kho vận, TS. Trịnh Đức Cường – Viện Công nghệ thông minh và Tương tác UEH cũng mở rộng thêm một xu hướng công nghệ đang cách mạng hóa ngành logistics: Internet vạn vật (IoT) trong quản lý kho hàng. Ông nhấn mạnh rằng, IoT giúp kết nối mọi thiết bị và vật thể trong kho, tạo ra một hệ thống thông minh, cho phép theo dõi và quản lý hàng hóa một cách chính xác và hiệu quả. Nhờ IoT, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quá trình nhập xuất hàng, quản lý tồn kho và giảm thiểu sai sót. Ví dụ, việc sử dụng cảm biến IoT để theo dõi nhiệt độ và độ ẩm trong kho giúp đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm dễ hư hỏng. Khi kết hợp với Robot và AI, IoT sẽ tạo ra những giải pháp toàn diện, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động và cạnh tranh trên thị trường.
Các chuyên gia đến từ các đơn vị Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS, Công ty TNHH TYVY và DHL cũng có các chia sẻ và phiên thảo luận về bảo hiểm tín dụng thương mại nhằm giảm thiểu rủi ro trong logistics, các lợi ích của tiêu chuẩn xanh, cũng như vai trò của Fulfillment trong việc thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 đã khép lại thành công, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics tại Việt Nam. Với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà đầu tư, sự kiện đã tạo ra một diễn đàn sôi động để chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật công nghệ mới nhất và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các xu hướng công nghệ như robot, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả và tính bền vững. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của các công nghệ này, các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng hiện đại.
– Viện Công nghệ thông minh và Tương tác