AI Challenge 3ITech 2025 – Sân chơi học thuật ứng dụng công nghệ AI vào bài toán thực tiễn dành cho sinh viên công nghệ tại UEH

Với mong muốn thúc đẩy tinh thần học tập gắn liền với thực tiễn, khơi dậy đam mê nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong cộng đồng sinh viên, ngày 19/05/2025 vừa qua, Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức cuộc thi AI Challenge 3ITech 2025 – một sân chơi học thuật đầy sáng tạo dành cho các bạn sinh viên yêu thích lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Cuộc thi AI Challenge 3ITech 2025 – một sân chơi học thuật đầy sáng tạo dành cho các bạn sinh viên yêu thích lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI)
Ứng dụng công nghệ AI vào giải quyết bài toán nhận diện món ăn

AI Challenge 3ITech năm 2025 mang đến một đề bài mang tính ứng dụng cao và gần gũi với đời sống sinh viên: xây dựng hệ thống AI nhận diện món ăn tại canteen và tự động tính hóa đơn từ khay cơm. Đây là một bài toán công nghệ thực tiễn, yêu cầu người học phải vận dụng kiến thức chuyên môn về AI, xử lý ảnh và mô hình học máy để xây dựng một giải pháp khả thi và hiệu quả.

Poster trình bày ngắn gọn về hệ thống nhận diện món ăn và tính tiền của 31 đội thi

Cuộc thi bao gồm 31 đội với 90 sinh viên nhóm ngành công nghệ thuộc Viện Công nghệ thông minh và Tương tác UEH. Tại vòng sơ loại, 31 đội thi phải trực tiếp chạy mô hình nhận diện hình ảnh từ khay cơm thực tế và thực hiện quy trình tự động tính toán hóa đơn – phản ánh năng lực lập trình, xử lý dữ liệu ảnh và khả năng tích hợp công nghệ vào một hệ thống hoàn chỉnh. Không còn là các bản mô phỏng lý thuyết, vòng thi yêu cầu sản phẩm phải có tính tương tác cao, vận hành ổn định và xử lý chính xác trong điều kiện thực tế.

Các sinh viên tất bật chuẩn bị thiết bị cho Vòng Sơ loại

Ban giám khảo, bao gồm các giảng viên, chuyên gia công nghệ và cố vấn kỹ thuật, đã đánh giá từng mô hình dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe: độ chính xác nhận diện món ăn, thời gian xử lý, giao diện người dùng, mức độ sáng tạo trong giải pháp và tiềm năng triển khai ứng dụng trong môi trường thực tế như canteen trường học hoặc hệ thống bán lẻ thông minh.

Kết thúc vòng sơ loại, 10 đội thi có sản phẩm xuất sắc nhất đã được chọn để bước tiếp vào vòng Chung kết. Đây là những đội không chỉ thiết kế được một hệ thống nhận diện có độ chính xác cao mà còn thể hiện được tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả.

Vòng Chung kết – Nơi hội tụ của các giải pháp công nghệ sáng tạo
TOP10 đội thi vượt qua vòng sơ loại bắt đầu phần trình bày và phản biện trước hội đồng Ban Giám khảo

Tại vòng Chung kết, 10 đội thi đã có cơ hội trình bày sản phẩm trước Hội đồng Ban giám khảo, tập trung vào các nội dung chính như: quy trình xây dựng hệ thống, cơ sở nghiên cứu, quá trình thử nghiệm, hiệu quả mô hình và định hướng ứng dụng trong môi trường thực tế.

Các đội thi cần chứng minh được lý do chọn mô hình của mình để xây dựng hệ thống

Bên cạnh phần thuyết trình, các đội còn tham gia phần hỏi – đáp phản biện, thể hiện khả năng tư duy phản biện, hiểu biết chuyên sâu về thuật toán, dữ liệu, và tối ưu hệ thống. Những câu hỏi đến từ hội đồng giám khảo không chỉ xoay quanh kỹ thuật mà còn đề cập đến yếu tố người dùng, tính bền vững và khả năng triển khai thực tế.

Những câu hỏi đến từ hội đồng giám khảo không chỉ xoay quanh kỹ thuật mà còn đề cập đến yếu tố người dùng, tính bền vững và khả năng triển khai thực tế

Thông qua cuộc thi, sinh viên UEH đã có cơ hội rèn luyện các năng lực học thuật cốt lõi như: nghiên cứu – ứng dụng, tư duy hệ thống, giải quyết vấn đề, giao tiếp chuyên môn và làm việc nhóm. Đồng thời, cuộc thi cũng là minh chứng cho định hướng Project-Based Learning mà UEH đang triển khai mạnh mẽ, góp phần phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao cho xã hội.

Với định hướng trở thành một đại học đa ngành, UEH hiện đang đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ – nơi kết nối giữa tri thức hiện đại và ứng dụng thực tiễn, giữa đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Với các nhóm ngành công nghệ tuyển sinh năm 2025 bao gồm Robot và Trí tuệ nhân tạoCông nghệ LogisticsĐiều khiển thông minh và Tự động hóa và Phân tích dữ liệu. Các chương trình được thiết kế theo hướng liên ngành, tích hợp thực hành công nghệ, kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo – nhằm chuẩn bị cho người học năng lực cạnh tranh toàn cầu trong kỷ nguyên số.


Một số hình ảnh cuộc thi:

– Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác UEH

Bài viết khác